Mấy ngày nay, dư luận đang nóng lên về sự kiện 8 cán bộ... của một Viện nọ bị bắt quả tang đang đánh bạc. Thật ra hiện tượng giáo sư, tiến sỹ, giáo viên, giám đốc đánh bạc không phải là chuyện hiếm.
Đánh bạc, chuyện thường ngày!
Anh C. phó giám đốc một cty nhà nước có một “tuyệt chiêu” là đặt tên cho số điện thoại một người bạn là “Tổng giám đốc”. Vì vậy khi thấy điện thoại di động đổ chuông, anh liền đưa cho vợ xem và bảo: “TGĐ gọi anh này”. Rồi anh dạ vâng và bảo vợ có việc cty phải đi.
Thực chất là họ rủ nhau đi đánh bài ăn tiền. Nhiều công chức trẻ coi việc này là một biểu hiện của sự “biết chơi”, “giao tiếp” và họ thường tổ chức các “cuộc họp” khá thường xuyên, nhất là trong các dịp đi chuyên đề,họp hành, tổng kết, du lịch… Một cán bộ có nhà gần cty khá kín đáo là nơi tụ họp lí tưởng của những “con bạc” nghiệp dư. Cứ thấy đóng cửa, và xe máy dựng nhiều ngoài sân là biết trong đó đang “họp”.
Các cuộc sát phạt say sưa thường kéo dài vài ba tiếng đồng hồ, nhưng cũng không hiếm khi diễn ra thâu đêm suốt sáng. Sau mỗi cuộc họp, có người mất vài trăm nghìn, có người được vài trăm, những cũng có khi có bác trong một đêm đã nướng luôn cả tháng lương, thậm chí gấp đôi số lương trong một tháng… Có bác lâm vào tình cảnh “Chúa Chổm” vì cờ bạc.
Các bác thường rủ nhau đánh cho “vui” và chê những người không biết tham gia là “gà mờ”, “cù lần”. Vui đâu chẳng thấy, chỉ thấy trong các cuộc chơi, không ít lần xảy ra cãi vã, mâu thuẫn, rồi người này tố cáo người kia chơi xấu, gian lận (cờ gian bạc lận mà). Sau mỗi cuộc sát phạt, ai nấy mặt mũi bơ phờ, người mất tiền thì ngơ ngác, kẻ được tiền thì rồi cũng phải bỏ ra ăn uống, chiêu đãi…
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn phuongdong245a.forummotion.com
Ranh giới giữa giải trí với tệ nạn, giữa chơi cho vui và nghiện ngập trò chơi đỏ đen này trở nên hết sức mong manh.
Trong những giáo sư,tiến sỹ,giám đốc chúng tôi biết, có những người đã trở thành con nghiện, đệ tử của “bác thằng bần”, đánh bài ăn tiền đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của họ. Các bà vợ thường nhận được câu trả lời “bận họp, đi công tác” hay “thăm đồng nghiệp ốm” khi hỏi chồng về lý do tại sao không có mặt ở nhà.
Nguyên nhân và giải pháp
Mặc dù pháp luật nước ta nghiêm cấm những hành vi cờ bạc, song nhiều người dân không coi đánh bạc là hành vi phạm pháp. Các con bạc thì cho đây là một thú vui, giải trí. Nhiều chiếu bạc lâm thời được tổ chức trong các đám cưới, lễ lạt… Đây là lực cản rất lớn để hạn chế hiện tượng này.
Viện trưởng một Viện nọ biết nhân viên của mình đánh bạc cũng chỉ nhắc nhở qua loa, vì cho rằng họ chỉ đánh “giải trí”. Ngay cả một số cán bộ chiến sĩ công an cũng không ngần ngại ngồi vào sới bạc.
Các nhà tâm lý học cho rằng trò chơi cờ bạc có một sức hấp dẫn rất lớn đối với người chơi. Bằng ma lực của sự tò mò, của trò may rủi, của ham muốn tiền bạc (phần thưởng trực tiếp bằng tiền) và cả những “mánh khóe nhà nghề” (một số người cho rằng “đánh phỏm” là một “trò chơi trí tuệ”), của tâm lý ăn thua, cay cú...
Tất cả những điều ấy sẽ tác động như một thứ ma túy khiến người chơi một thời gian sẽ bị lệ thuộc, “nghiện” (mặc dù họ không bao giờ thừa nhận). Đây là điều giải thích vì sao tệ nạn đánh bạc vẫn lan tràn mặc dù pháp luật không cho phép. Ma lực của chiếu bạc mạnh đến nỗi con bạc có thể thức suốt mấy ngày đêm liền, thậm chí trong tình cảnh đói khát.
Say mê sát phạt trên những chiếu bạc phản ánh sự nghèo nàn trong đời sống tinh thần của một bộ phận người dân. Không có lý tưởng, không có động lực tinh thần mạnh mẽ, không có niềm đam mê công việc và những khát vọng lớn lao, thờ ơ với văn hóa nghệ thuật, khoa học và những loại hình giải trí lành mạnh, những con người này rất dễ sa vào chủ nghĩa hiện sinh, sống chỉ cốt tìm sự thỏa mãn của những đam mê nhất thời, nông nổi. Một số kẻ lười lao động lại coi cờ bạc (tất nhiên là gian lận) là nghề kiếm sống.
Vì vậy, để hạn chế sự lan tràn và tác hại của tệ nạn này, bên cạnh những giải pháp về mặt hành chính rất cần sự vào cuộc của các chuyên gia, các nhà khoa học để có những nghiên cứu sâu sắc về vấn đề, từ đó đề xuất những giải pháp tổng thể, có chiều sâu và hiệu quả thực tế. Còn nếu chúng ta cứ lên án một cách chung chung, rồi xử lý theo kiểu trị triệu chứng “bắt cóc bỏ đĩa” thì sẽ không đi đến đâu. Trước hết, xin các giáo viên thống nhất cho một điều: đánh bạc không phải để cho vui, vì chẳng có gì vui cả.